TREO
ĐẦU DÊ BÁN THỊT CHÓ TRONG BẢO HIỂM TÀI SẢN KHI KHÁCH HÀNG QUÁ TIN TƯỞNG
NGƯỜI TƯ VẤN.
Nhân việc có khách hàng bị "mua
nhầm" bảo hiểm về tài sản (nhà xưởng....) do quá tin tưởng người tư vấn
hoặc/và không hiểu về sản phẩm. Đến khi tổn thất xảy ra mới phát hiện. Trưa
nắng không có khách hàng uống cafe nên em Du rảnh; xin phép chia sẻ cho
anh/chị ít kiến thức về bảo hiểm tài sản.
Du em lưu ý trước: bài viết không
nhằm đả kích bất kì công ty bảo hiểm hay người nào. Anh chị nào dính ráng chịu,
đừng bức xúc chửi bới em buồn lắm.
Trên thị trường có khá nhiều hình
thức bảo hiểm tài sản, nhưng tựu chung lại sẽ có 3 sản phẩm chính: Bảo hiểm
cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm cháy nổ và rủi ro đặc biệt; và bảo hiểm mọi rủi ro
tài sản.
1.Bảo hiểm cháy nổ như tên gọi của
nó chỉ bao gồm rủi ro Cháy và rủi ro nổ. Đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc do
nhà nước quy định theo nghị định 23 đối với 1 số cơ sở nhất định. Thông thường
sản phẩm này anh chị mua để chống đối cơ quan PCCC là chính mà ít quan tâm đến
quyền lợi của mình. Nhưng sản phẩm vẫn bảo vệ tài sản khách hàng khi xảy ra:
Cháy; nổ.
2. Bảo hiểm cháy nổ và rủi ro đặc
biệt (RRĐB)
Đây chính là cái bẫy mà rất nhiều
khách hàng mắc phải, có thể do không hiểu biết, cũng có thể bị treo đầu dê bán
thịt chó. Cái tên gọi của sản phẩm đã thể hiện phạm vi bảo hiểm sẽ là cháy nổ
(gồm cả cháy nổ bắt buộc) và thêm những rủi ro đặc biệt khác. Các rủi ro này
khách hàng muốn mua thêm thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bán bổ sung và tính thêm
phí (thường rất thấp). Các rủi ro này theo tiêu chuẩn của nhà tái sẽ thường gồm
những rủi ro sau:
• Sét đánh trực tiếp
• gây rối đình công
• giông bão lũ lụt, động đất
• nước tràn từ bể, thiết bị chứa
nước, đường ống
• đâm va do xe cộ, xúc vật
• máy bay và các phương tiện hàng
không rơi vào
Khách hàng khi nhìn vào chữ RỦI RO
ĐẶC BIỆT thường có tâm lí rằng tài sản của mình đã được bảo vệ thêm những rủi
ro trên. Vì đây là những rủi ro cơ bản mà mọi Công ty bảo hiểm trên thị trường
đều thêm vào. Nhưng đáng buồn thay trong hợp đồng khách hàng đặt bút kí (thường
rất dài và khách không đọc hết) lại chỉ ghi duy nhất thêm một rủi ro Sét đánh
trực tiếp.
DNBH hoàn toàn không hề sai trong
việc đặt tiêu đề khi lí luận rằng họ đã bổ sung thêm quyền lợi cho khách so với
đơn Cháy nổ thông thường. Nhưng than ôi, rủi ro Sét đánh trực tiếp là một trong
những rủi ro có xác xuất cực nhỏ, nhỏ đến nỗi mà nhiều doanh nghiệp bảo hiểm
còn tặng cho khách hàng rủi ro này mà không tính phí. Rủi ro đáng đống tiền bát
gạo nhất cho các cơ sở, đặc biệt là các nhà kho là Giông bão, lũ lụt. Đây mới
là rủi ro mà anh chị cần lưu tâm nhất để mua thêm bảo vệ tài sản cho mình. Phí
của các rủi ro phụ này cũng rất thấp, vậy mà người tư vấn không tư vấn cho anh
chị khách hàng thì nhiều khả năng là họ "cố tình" quên.
3. Bảo hiểm mọi rủi ro tài sản (phạm
vi rộng nhất)
Anh chị nào cẩn thận nên mua theo
đơn này (tất nhiên phí cũng cao nhất) thì phạm vi bảo hiểm sẽ rộng nhất: Mọi
rủi ro. Tuy nhiên, anh chị lưu ý trong đơn này sẽ ghi cụ thể những rủi ro loại
trừ. Đừng nghĩ mua đơn này 100% sẽ được rồi lên đây chởi em Du nhé ^^!
Kết luận: Khi mua bảo hiểm cho tài
sản (nhà xưởng...) anh/chị nên xem kĩ PHẠM VI BẢO HIỂM trong hợp đồng mình kí
kết nhé.
Em Du
Note: Em Du không đại diện cho bất
cứ ai hay tổ chức nào. Bài viết chỉ nhằm mục đích chia sẻ kiến thức để anh chị
mua bảo hiểm đúng. Các bạn tư vấn tư vấn cho khách đúng.Dĩ nhiên có thể sai trong một số trường hợp nên bài viết chỉ mang tính chất tham khảo rất mong được sự đóng gớp của các bạn. Xin cảm ơn